Mạc khải một tín điều căn bản của Đạo Thiên Chúa. Các hoạt động tôn giáo của đạo chúa đều xoay quanh tín điều này. Công giáo có thực sự hiểu mạc khải là gì? Vì sao có có mạc khải? Một số vị (được gọi là thánh) tự nhận mình được mạc khải và sau đó đi truyền đạt lại, nói rằng đó là ý chúa và thành lập ra tôn giáo. Tại sao giáo lý công giáo lại không đáng tin cậy? Đạo công giáo sai ở những điểm nào?
Mạc khải, tiếng Hi Lạp là Apokalypsis, tiếng Anh là Revelation, tiếng Latin là Revelatio, tiếng Đức là Offenbarung, nghĩa là vén màn cho thấy những gì xưa kia bị giấu ẩn. Công giáo hiểu là:
a. Chúa tự động cho ta biết rằng Ngài có thực, biết về bản tính Ngài, biết về sự hiện diện Ngài, thấy Ngài là nhân hậu, toàn năng.
b. Chúa cho biết mục đích của Ngài, và những gì Ngài muốn qua những sự kiện lịch sử đã xảy ra, như lịch sử dân Do Thái, như cuộc đời Chúa Giêsu.
c. Những điều Ngài truyền dạy đã ghi chép trong Thánh Kinh, và đó là chân lý và là điều hay, lẽ thật. Mạc khải đã được truyền cho các tông đồ, các Giám Mục, Giáo hội, cho những người có bổn phận giảng giáo.
Giáo hội và quyền mạc khải
Chỉ có Giáo hội mới được mạc khải hoàn toàn, và không còn mạc khải nào khác nữa. Cá nhân có thể được mạc khải, và có khi được Giáo hội công nhận, nhưng chúng không ăn nhằm gì đến đức tin.[5] Giáo hội phạm nhiều sai lầm trong vấn đề này.
Trước hết ta nên phân biệt, mạc khải là do Trời truyền. Còn người được mạc khải là người giác ngộ. Chúa Giêsu là một người được mặc khải, nhưng đạo Công giáo không phải là đạo mạc khải. Nguyên chuyện thân phận con người hết sức là sang cả, mà Công giáo cũng không biết, lại luôn cho rằng con người là xấu xa vì đã phạm tội tổ tông.
Tôi đọc Kinh Thánh cũ hay Cựu Ước, không bao giờ thấy Thượng đế đả động đến tội tổ tông. Chẳng lẽ Ngài đã quên chuyện tày trời đó. Công giáo không biết rằng con người phải đi vào nội tâm mà tìm Chúa. Công giáo không biết rằng con người có thể có tầm kích như Chúa Giêsu, mặc dầu St. Paul có dạy rõ ràng, nhưng Công giáo không hề biết khai thác [5b].
Công giáo cũng không biết rằng Chúa đã ngự ngay trong tâm hồn mọi người, và nước Trời đã ở sẵn trong lòng mọi người. Công giáo nói:Christianus alter Christus [Người Công giáo là một Chúa Giêsu khác], nhưng không hề khai thác, áp dụng.
Chính vì thế mà Công giáo có phép Thánh Thể để đem Chúa vào lòng con người dù là dăm ba phút... Nếu quả thật, chúng ta là những Chúa Giêsu khác, thì cần gì còn phải rước Chúa vào lòng. Công giáo không biết rằng mạc khải là vén bức màn vô minh lên cho con người thấy bản thể sang cả của mình, cho con người thấy rằng mình có bản thể thần linh, chứ không phải là một kẻ xấu xa, hèn hạ như Công giáo tưởng.
Tôi không hiểu tại sao một đạo lớn như vậy mà một điều sơ đẳng thế mà cũng không biết. Giác ngộ và mạc khải không phải là của tư hữu của cá nhân hay đoàn thể, mà thời đại nào cũng có vài người được diễm phúc này. Giác ngộ là một ân sủng cá nhân, không truyền cho ai được.
Lữ Đồng Tân viết:
Đạo tặc chẳng cướp được,
Hỏa thiêu vẫn y nguyên.
Ở đời không kẻ biết,
Chí thân cũng không truyền.
Những vị thánh hiền trong lịch sử
Đạo Công giáo trong 2000 năm qua, chỉ có khoảng 100 người giác ngộ như St. Paul, như Eckhart, như Tauler, như Suso, như St. John of the Cross, như Ste. Teresa of Avila v.v... Các vị thánh hiền trên thường không có đệ tử. Nho giáo cũng có khoảng vài chục người như Khổng, Mạnh, Trình tử, Vương dương Minh, Lục tượng Sơn v. v...Phật giáo có các tổ thiền như Huệ Năng, Mã tổ v.v... Bà La Môn, phái Kaballah của Do Thái, phái Sufism của Hồi giáo v.v... cũng đều có các vị hiền thánh như vậy.
Dù là Giáo Hoàng, hay Giám Mục nếu không được giác ngộ cũng chỉ là kẻ phàm phu tục tử mà thôi. Giáo Hoàng hay Giám Mục chỉ là những người có khả năng lãnh đạo, những chính trị gia, chứ không phải là những nhà thần học hay triết học. Linh Mục cũng chỉ là những người bình thường, chẳng có gì là thần thánh. Giáo dân tâng bốc họ lên mà thôi, chứ trong hàng ngũ Linh mục ta thấy có rất ít người giỏi giang, siêu việt. Không làm gì có chuyện mạc khải chung cho Giám Mục, cho Giáo hội , v. v...Không làm gì có chuyện mạc khải công cộng, cho quần chúng.
Sứ đồ Phaolô mới là người lập ra đạo Công Giáo
St. Paul, cho rằng tuy ngài sinh sau đẻ muộn, nhưng tài năng hơn các tông đồ khác [2Co 11:5-6]: ngài chê các tông đồ khác không có tài giảng đạo [2Co 10:15-17, ngài cho rằng mình hơn các tông đồ khác, và không thèm lấy tiền của dân v.v. [2Co 11:21-23, 2Co 13:11-15]. Trong thư gửi cho giáo hữu Galates, ngài cho biết không học hỏi gì với các tông đồ [Ga 1:15-22], và đã nặng lời chê bai St. Peter [Ga 2:11-14], và cho rằng Phúc âm ngài giảng là Phúc âm duy nhất [Ga 1:8-10] v.v...Như vậy, ngài có học được gì nơi Chúa Giêsu đâu. Hay nhất là chính St. Paul mới là người sáng lập ra đạo Công giáo, chứ không phải Chúa Giêsu.
Tóm lại, giác ngộ [enlightenment] là thần con người thông đạt được với thần vũ trụ, tiểu ngã con người kết hợp được với Đại Ngã vũ trụ, và nhận thấy mình và trời đất là cùng một thể. Khẩu quyết của Bà La Môn là Tat Tvam Asi, Con là Cái Đó, nghĩa là con chính là đồng thể với Thượng đế.
Giáo lý Công giáo rõ ràng không hay biết điều này. Cho rằng Chúa đã thủ thỉ cho con người hay biết tâm tư mình qua Kinh Thánh là điều mà hiền thánh Á Đông không bao giờ chấp nhận. Khổng tử đã nói: Trời có nói gì đâu, thế mà bốn mùa cứ vần xoay mãi, vạn vật trong vũ trụ cứ sinh hóa mãi. Mà Trời có nói gì đâu? [Luận Ngữ XIX, 18].
DUYÊN SINH