Thánh Kinh coi Chúa là đấng thô bạo, hay giận, hay báo thù, hay ghen, yêu chuộng hòa bình và đấng tối cao.[5d] Thiên Chúa giáo chủ trương Chúa Ba Ngôi. Do Thái giáo, Hồi giáo chủ trương Thượng đế là duy nhất.
Những ghi chép trong kinh Cựu Ước:
Kinh Thánh cũ hay Cựu Ước [Old Testament] bảo: Này đây, lời Yahve, vua Israel, đấng Cứu Chuộc Israel, Yahve các đạo binh. Ta là đầu, là cuối. Ngoài ta ra không có Chúa nào khác. Ai là người giống ta, hãy đứng lên nói xem...[Isa 43:6-7]. Chính ta YAHVE, đã làm nên tất cả. Ta một mình căng trời, bện đất. Nào có ai đã giúp ta? [Isa 44:24] Và các ngươi hiểu rằng chính là Ta. Trước ta, không có Chúa nào và sau ta, cũng không có Chúa nào. Chính ta là Yahve, không có đấng cứu rỗi nào ngoài ta. Không ai có thể cứu khỏi tay ta. Ta làm thì không ai có thể kháng cáo [Isa 43:11-13. Ta là Yahve, ngoài ta ra không có Chúa nào khác [Isa 45:5]. Chính ta là Yahve, ngoài ta ra, không còn có Chúa nào khác. [Isa 45:2] Hãy quay về với ta, từ múi cùng mặt đất, vì ta là đấng chẳng ai bằng [Isa 45:22]. Chính Ta là Yahve, vinh quang của ta, ta sẽ không ban cho người khác, hay cho các thần tượng vinh dự ta.
Chúa nói vậy, thì làm gì có ngôi hai, ngôi ba? Tôi là kẻ ít học, nhưng đọc những lời Chúa phán rõ ràng như trên, thì không sao mà còn dám tin Chúa Ba Ngôi nữa.
Trước hết ta nên biết Chúa có nhiều tên, ít nữa là bảy tên sa đây:
a. Yahweh, chính ra là YHWH. Tên này vì không có mẫu âm nên không đọc được. Nên thường phải chua chữ Adonai [Chúa] ở dưới. Đến sau, người ta mượn ba mẫu âm A-O-I [hay E] của Adonai mắc vào chữ YHWH thành Jehovah. Jehovah được nhắc đến trong Thánh Kinh 6.832 lần.
b. Adonai.
c. Elohim được nhắc đến 3.350 lần.
d. Đôi khi ta còn thấy tên El Eliyon, biến dạng của Elohim.
e. Shaddai. Được nhắc tới 301 lần.
f. Lord Sabaoth [Chúa các Đạo binh].
g. Trong Kinh Thánh mới Yahweh được gọi là Kyrios [Lord].
Quan điểm của Hồi giáo về ba ngôi:
Kinh Coran Hồi giáo ghi: Nhân danh Chúa rất nhân từ, hãy nói: Thượng đế là duy nhất, là tuyệt đối, Ngài không sinh ra ai, và cũng chẳng ai sinh ra Ngài, và không ai bằng Ngài [Coran, Sourate 112]. Và họ nói: Chúa có con nuôi. Chúa Ngài thanh tịnh. Không. Nhưng mọi sự trên trời, dưới đất đều là của Ngài. Mọi sự đều phục vụ Ngài.[Coran, Sourate 2, 116.] Jesus Christ, con bà Maria, chỉ là một sứ giả...chớ nói Ba Ngôi. Đừng nói vậy, sẽ hay hơn. Chúa là đấng duy nhất. Vậy thôi. Chúa có con! Chúa Ngài thanh tịnh. Cả trời đất đều thuộc về Ngài... [Coran, Sourate 4, 171] Chỉ những kẻ vô tín ngưỡng mới nói: Thượng đế chính là Chúa Giêsu, là con bà Maria. Chúa Giêsu nói: Hỡi con cháu Isarael, hãy thờ lạy Chúa, Chúa tôi và Chúa các anh [Coran, Sourate 5, 74] v.v... Như vậy, Hồi giáo không tin Chúa Giêsu là một ngôi trong ba ngôi, không tin Ngài là Thượng đế, mà chỉ là một sứ giả, nhưng thua Mahomed.[6]
Những ghi chép trong kinh Tân Ước:
Thánh Kinh mới hay Tân Ước [New Testament] ghi lại lời Chúa Giêsu nhận xét về chính Ngài: Lời ta dạy không phải là của ta, mà là của đấng đã sai ta. Ai muốn làm theo ý Ngài sẽ thấy lời ta dạy là của Ngài, chứ không phải là của ta [Joh 7:16-18]. Cha ta luôn làm việc và ta cũng vậy [Joh 5:17], vì Cha ta hơn ta[ Joh 14:28], sao ngươi nói ta tốt lành? Không có ai tốt lành, trừ phi Thiên Chúa [Mr 10:18, Lu 18:19]. Chúa là Chúa thật sự, và Giêsu Christ, là sứ giả Ngài [Joh 17:3]. Lạy Cha, sao cha bỏ con [Mr 15:34]. Lạy Cha con xin phó linh hồn con trong tay Cha [Lu 23:46], Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin đừng bắt con uống chén này, nhưng xin Cha đừng cứ ý con, mà xin cứ ý Cha thi hành. [Lu 22:42]. Kẻ nào thắng ta sẽ cho ngồi cùng ta trên tòa ta, cũng như khi ta thắng, đã ngồi cùng Cha ta trên tòa ta. Ai có tai thì hãy nghe lời Thần Chúa nói. [Re 3:21-22].
Như vậy Chúa Giêsu không bao giờ dám xưng mình là Thượng đế, không dám nhận mình là tốt, và luôn gọi Thượng đế là đấng đã sai mình, là đấng hơn mình, thì làm sao mà Ngài bằng Thượng đế cho được. Chẳng lẽ lời nói là để hiểu ngược lại. Và nếu ai thắng, Ngài đã dám mời lên ngồi cùng tòa với Ngài, thì chắc là xưa nay đã có người làm được như vậy. Thế thì Ngài còn gì là độc tôn nữa. Khi gần chết, Giêsu Christ thấy cô đơn, nên mới kêu: Sao cha bỏ con. Và khi chết, Ngài phó linh hồn trong tay Chúa Cha, như vậy Ngài làm sao bằng Đức Chúa Cha được?
Chúa ba ngôi trái ngược phạm trù triết học
Vấn đề Chúa Ba Ngôi còn đi ngược lại với triết học. Trong thế giới này có một nền triết học rất cao siêu. Á châu gọi thuyết này là thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Âu châu gọi là Thuyết Phóng Phát [Emanation theory]. Thuyết này chủ trương vạn vật đều có chung một bản thể như nhau, biết điều này là giác ngộ, không biết điều này là vô minh, là chúng sinh. Biết mình có chung một bản thể với Trời, và biết đường tu luyện sẽ trở về hợp nhất với Trời. Đó là Phối Thiên [Trung Dung 26, Đạo Đức Kinh 68], là Niết Bàn. Phật giáo và Bà La Môn giáo gọi Niết Bàn là: Diệt hết mọi hình tướng, phối hợp với Thượng đế.[7]
Trong sách Deuteronomy, Chúa xưng mình Ta là bản thể [YHWH= I am he who is, or I am who Am or I am who I am] [7b] [Catechismus of the Catholic Church p. 56]. Trong vạn hữu, cái gì biến thiên là hiện tượng, là vọng tâm. Cái gì bất biến là bản thể, là chân tâm, là Niết Bàn. Như vậy Niết Bàn là diệt hết mọi hình tướng, mọi hiện tượng biến thiên, là trở về với Thượng đế, với chân tâm, cho nên Thượng đế chính là chân tâm của ta.
Cho nên, muốn tìm cho ra Thượng đế, phải tìm Ngài trong cái gì bất biến, chứ không phải là trong cái gì biến thiên. Ngài không thể tách rời khỏi vạn hữu, vì ta và tha nhân chính là Ngài, vì vũ trụ chính là Ngài.
Thuyết này đã bị Công giáo phi bác vì cho là Tà đạo. Pie IX, trong Tập Kỷ Yếu Tà Thuyết [Syllabus] ra ngày 08/12/1864 đã phi bác thuyết này: "[Nếu ai cho rằng] Không làm gì có đấng Thượng đế quan phòng tối cao tách rời vũ trụ. Chúa và vạn hữu là một, và như vậy Ngài có thể biến thiên.
Thật ra Ngài đang biến hóa trong con người và trong vạn hữu. Vạn hữu là Ngài và có cùng bản thể như Ngài. Ngài và vũ trụ là một chứ không hai." Và "Nếu ai nói rằng Chúa và muôn loài có cùng một bản thể, và vạn vật hữu hình hay vô hình hay ít là vô hình đều phóng phát ra từ bản thể Thượng đế. Và bản thể Thượng đế hóa thành vạn vật bằng cách hiện thân hay biến hóa bản chất Ngài, hoặc cuối cùng ai cho rằng Chúa là tất cả, là phổ quát nhưng vô định đã hiện thân thành vũ trụ rồi vũ trụ lại phân hóa thành giống nòi, chủng tộc, hay cá nhân, kẻ ấy bị tuyệt thông."[8]
Thuyết này đã bị Công giáo phi bác vì cho là Tà đạo. Pie IX, trong Tập Kỷ Yếu Tà Thuyết [Syllabus] ra ngày 08/12/1864 đã phi bác thuyết này: "[Nếu ai cho rằng] Không làm gì có đấng Thượng đế quan phòng tối cao tách rời vũ trụ. Chúa và vạn hữu là một, và như vậy Ngài có thể biến thiên.
Thật ra Ngài đang biến hóa trong con người và trong vạn hữu. Vạn hữu là Ngài và có cùng bản thể như Ngài. Ngài và vũ trụ là một chứ không hai." Và "Nếu ai nói rằng Chúa và muôn loài có cùng một bản thể, và vạn vật hữu hình hay vô hình hay ít là vô hình đều phóng phát ra từ bản thể Thượng đế. Và bản thể Thượng đế hóa thành vạn vật bằng cách hiện thân hay biến hóa bản chất Ngài, hoặc cuối cùng ai cho rằng Chúa là tất cả, là phổ quát nhưng vô định đã hiện thân thành vũ trụ rồi vũ trụ lại phân hóa thành giống nòi, chủng tộc, hay cá nhân, kẻ ấy bị tuyệt thông."[8]
Tuy nhiên, thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể đã được hiền thánh Á Đông Bà La Môn, Phật, Lão, Khổng chấp nhận. Bộ Kinh Dịch cũng theo chủ trương này. Các mật tông mật giáo Âu châu cũng theo thuyết này và gọi đó là Thuyết Phóng Phát. [8b].
Chân lý trời đất chỉ có một, không phân đông tây
Sở dĩ Âu châu phải nấp sau bình phong các mật tông vì sợ các Tòa Hình Án Công giáo. Các mật tông mật giáo nói trên là Kaballa, Christian Gnosticism, Jewish Gnosticism, Neo-Platonism, Neo-Pythagoreanism, Hermeticism, Freemasonry, Rosicrucianism, Alchemy, Tarot, Astrology v.v... Một người có công khai thác và nâng đỡ các mật tông, mật giáo nói trên là Cosimo de Medici [1389-1464], dòng họ Medici cai trị Florence từ thế kỷ 14 cho đến năm 1737. Như vậy rõ ràng chân lý chỉ có một, không phân Đông, Tây.
Tiếc rằng Công giáo đã cố chấp không nhận mình là sai. Nói vậy tức như nói nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính, và con người rốt ráo ai cũng thành Trời, thành Phật được. Quan niệm ai cũng thành Trời, thành Phật không phải Thánh Kinh không có, nhưng dở cái là Giáo hội không bao giờ chịu khai thác. Chẳng hạn Chúa Giêsu nói: Ước gì mọi người trở nên một. Như Cha, Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, ước gì chúng cũng nên một với chúng ta [Joh 11, 21]. Upanishad viết: Ngài ẩn thân trong vạn hữu, mà Đại Ngã không để Ngài hiển lộ ra, nhưng các bậc thấu thị, những khối óc tinh tế tuyệt vời, đã thấy điều đó. Ai biết điều đó sẽ thoát tử vong[9].
Báo Los Angeles Times, ngày thứ Năm, 19/08/1995, mục quảng cáo về University Synagogue của Do Thái giáo, nhận định về Thượng đế như sau: Chúng tôi tin Thượng đế là thần linh nội tại trong ta và trong vũ trụ. Thần linh đó giúp ta trở nên những con người biết thương yêu lo lắng cho mọi người, năng lực nội tại đó, chúng ta cảm thấy được, bằng suy tư, bằng kinh nghiệm và bằng linh giác chúng ta, năng lực nội tại ấy thúc đẩy ta hoàn thiện bản thân, và ăn ngay ở lành. Chúng ta tìm thấy Chúa trong khi tìm hiểu về chính mình, trong khi lo cho mọi người sống ngay lành, và lo cho mình sống như một người Do Thái.[10].
Tôi rất thích định nghĩa trên về Thiên Chúa. Và thấy rằng nếu ta không hiểu chính mình thì làm sao hiểu được Thượng đế.
Ba điều đáng suy nghĩ
1. Chúa Thánh Thần.
Thánh Kinh chép:
a. Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu là do quyền phép Chúa Thánh Thần.
b. Ngài lên rừng ăn chay là do Thánh Thần hướng dẫn.
c. Thánh Thần hiện ra trên đầu Ngài, như con chim bồ câu, khi Ngài chịu phép rửa.[9b] Như vậy là khi Chúa Giêsu giáng trần, Ngài hoàn toàn không biết gì về chuyện đó, và không tham dự vào chuyện đó, chuyện đó hoàn toàn do Chúa Thánh Thần. Ngài lên rừng ăn chay cũng là do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Lúc chịu phép rửa là lúc Chúa Thánh Thần nhập vào Ngài và làm cho Ngài trở nên giác ngộ. Như vậy, thì Chúa Thánh Thần phải là Cha Ngài, vì đã cùng với Đức Mẹ sinh ra Ngài, hay ít ra cũng cao siêu hơn Ngài, vì đã hướng dẫn Ngài. Như vậy tại sao lại là Ngôi Ba sinh bởi Chúa Cha và Ngài, và làm sao Ngài có thể sai Chúa Thánh Thần được?
Giáo phái Unitarian Universalist chủ trương Chúa có một ngôi, và Giáo Chủ đạo này là Servetus [1511-1553] đã bị lên giàn hỏa ở Genève 1553. Môn phái này đã có những giáo hữu lỗi lạc như Isaac Newton, như R. W. Emerson, W.H. Channing. Đó là một đạo giáo cởi mở nhất ở Mỹ này. Tôi có đến dự vài Chủ Nhật tại trụ sở nằm cuối đường Victoria, Costa Mesa. Nhưng thấy rằng đường lối tuy cởi mở, nhưng trình độ hiểu biết về chân đạo còn rất là ấu trĩ [vì tôi chưa gặp được những bậc đạo cao, đức cả của Giáo hội này], nên tôi không tới nữa.
2. Tước Hiệu Con Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, tước hiệu Con Thiên Chúa được thấy ở nhiều nơi, dùng cho nhiều người và nhiều người tự nhận mình là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhận mình là Con Thiên Chúa, nhưng David, Salomon, vua xứ Tyr, vua Cyrus cũng nhận mình là Con Thiên Chúa nữa.[9c] Chưa kể là chính Satan cũng được gọi là Con Thiên Chúa [9d]. Và các thư của St. Paul cũng cho rằng con người có thể trở thành Con Thiên Chúa.[9e]
Như vậy ai sẽ là Con Thiên Chúa, theo Thánh Kinh? Thưa là những con người lãnh đạo [David, Salomon] hay những con người hoàn thiện.
Và tôi không hiểu sao Con lại hoàn toàn bằng Cha, và trong các Con Thiên Chúa kể trên ai là con thật, ai là con giả?
3. Chúa Sống Lại.
Công giáo cho rằng Ba Ngôi hoàn toàn bằng nhau. Nhưng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thời không có xác. Chúa Giêsu lại có xác. Vậy ai sẽ hơn ai. Á Đông cho rằng cái xác này chỉ là "cái thân tứ đại giả hợp", chỉ là cái gì hôi thối [xú bì nang], thì làm sao tồn tại với thời gian được? Không thể nói Chúa phép tắc làm gì cũng được. Mã đơn Dương viết:
Thành tiên chỉ thị thần quang,
Thiên cung vô dụng xú bì nang.
Dịch:
Thành tiên âu chỉ cốt thần quang,
Thiên cung xá kể cái xác phàm.
Đó là những suy tư lẩm cẩm của tôi, mong các vị cao minh chỉ giáo.
Một điều tưởng cần nhớ là Michael Servetus, người Tây Ban Nha [1511-1553] là người chống lại những chuyện như Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu có hai tính, và chuyện rửa tội cho trẻ con. Servetus bị tòa Hình Án Công Giáo Lyons kết án nên trốn sang Genève. Ở đó, ông bị Calvin cho lên giàn hỏa, ngày 27/10/1553. Nay Giáo hội Unitarian vẫn coi ông là Giáo Chủ.